HomeKiến thứcCó thể bạn chưa biết ?Tháng củ mật là gì? Tháng củ mật cẩn...

Tháng củ mật là gì? Tháng củ mật cẩn thận cửa nẻo là như thế nào?

5/5 - (2 bình chọn)

Tháng củ mật là gì? Cứ mỗi dịp cận Tết vào tháng 12 âm lịch ngoài việc gọi là tháng chạp thì mọi người vẫn thường nhắc đến tháng cuối cùng trong năm này với tên gọi gần gũi hơn chính là “tháng củ mật”. Gắn liền theo lời nhắc nhở “Tháng củ mật – cẩn thận cửa nẻo”. Bạn đã biết tháng củ mật nghĩa là gì? Tại sao tháng chạp lại là tháng củ mật mà không phải là tháng củ cải, củ khoai hay củ sắn…? Những điều kiêng kỵ trong tháng củ mật là gì để khép lại một năm cũ thật trọn vẹn!

Tháng củ mật là gì?

Tháng củ mật chính là một tên gọi khác của tháng Chạp hay tháng 12 âm lịch cuối cùng trong một năm. Đây cũng chính là khoảng thời gian cận Tết khi mà chúng ta bắt đầu rục rịch để chuẩn bị cho những ngày đầu xuân năm mới như ý, trọn vẹn hơn.

Giải thích “củ mật” nghĩa là gì? 

Tại sao không phải là một loại củ nào khác như củ cải, củ sắn… mà lại là củ mật? Thực ra, củ mật không phải là một loại củ, mà đó là một từ Hán Việt. Trong đó, củ mang nghĩa là xem xét, kiểm soát những vấn đề xung quanh còn mật là cẩn mật, bí mật, kín đáo… 

Tháng củ mật là gì
Tháng củ mật là gì?

Như vậy, ghép lại “củ mật” nghĩa là kiểm soát cho mọi việc một cách thật kín đáo và cẩn thận. Đây cũng chính là một trong những lưu ý mà mọi người vẫn rỉ tai nhau trong khoảng thời gian cuối năm; cần cẩn thận, đề phòng mất đồ và kiêng những điều xui xẻo, không may mắn. 

Tại sao gọi tháng Chạp được gọi là tháng củ mật?

Nguyên nhân cũng là bởi đây là tháng dễ xảy ra bị mất cắp nhất. Tháng Chạp là tháng cuối cùng của một năm, tháng cận Tết và là tháng thu tiền về. Mỗi nhà đều dành dụm chút ít tiền sắm sửa nhà cửa, mua xe, mua đồ mới; cũng như tất bật hối hả với mọi thứ mà lơ là cảnh giác. Đây sẽ là cơ hội cho những “phường đạo tặc” hoạt động hết công suất để có một cái tết ấm no thì chuyện mất cắp là điều cực kỳ dễ hiểu. 

Mặt khác, từ thời xưa quan lại các cấp cứ đến tháng Chạp luôn nhắc nhở người dân phải hết sức cẩn thận; đề phòng và tăng cường “củ mật” ngăn ngừa bị mất cắp. 

Tại sao tháng 12 được  gọi là “tháng Chạp”?

Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng một phần trong những năm đô hộ Trung Quốc. Vậy nên những tên gọi, phong tục cũng có những nét na ná nhau. Chẳng hạn như “chạp” xuất phát từ tiếng Hán với từ gốc là “lap”.

Tháng củ mật có nghĩa là gì

Ngoài ra, theo Kinh Nghiệm Số tìm hiểu thì chữ “lạp” còn mang nghĩa là thịt. Thường vào dịp cuối năm mọi nhà sẽ có thói quen tích trữ thịt làm món ăn đãi khách hoặc để ăn dần trong mùa đông lạnh giá. Vậy nên, tháng cuối cùng của năm còn được gọi là “lạp nguyệt”. Qua truyền miệng từ nhiều thế hệ, cách đọc cũng vì thế mà chệch đi, chữ “lạp” đã được đọc thành “chạp” nên ta có “tháng Chạp”; hay những hình thức cúng giỗ, mâm cỗ cũng được gọi là “giỗ chạp”. 

Tháng củ mật cần kiêng kỵ điều gì?

Để giúp hạn chế những điều phiền toái, khép lại cuối năm thật trọn vẹn dưới đây là một số điều kiêng kỵ mà cha ông vẫn thường nhắc nhở: 

Tháng củ mật cần kiêng kỵ điều gì

  • Không nên vay mượn trong ngày rằm của tháng Chạp. Bởi, theo quan niệm người xưa rằm tháng Chạp là ngày Vọng vong; nếu cho người khác vay tiền vào ngày này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tài lộc sang năm mới. Theo đó, việc kiếm tiền trong năm mới cũng không được thuận lợi, suôn sẻ, mọi chuyện dễ bị thua lỗ. 
  • Không nên nhặt tiền rơi ngoài đường và nếu đã nhặt thì bạn nên làm từ thiện. Bởi khá nhiều người cho rằng vào tháng 12 âm lịch; nhiều gia đình cúng tiền trong ngày rằm để xua đi vận đen. Vậy nên, khi chúng ta nhặt tiền theo đó là rước vận xui vào người. 
  • Không nên gây mâu thuẫn, tránh thị phi. Cuối năm, ai cũng đều muốn an ổn để chuẩn bị đón năm mới vui tươi; hy vọng cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Để vận trình năm mới tốt đẹp, chúng ta nên tránh xa những điều tiếng, không làm điều thị phi hay gây mâu thuẫn… 
  • Luôn đề cao cảnh giác bảo vệ đồ đạc trong những ngày cuối năm, nhật là khóa xe, khóa nhà đầy đủ… 

Và đặc biệt, dù những ngày cuối năm có bận rộn thế nào cũng cần phải chú ý đến sức khỏe, giấc ngủ đầy đủ cho bản thân nhé. 

** Bạn đã biết: Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết

Tháng củ mật nghĩa là gì? Qua bài viết là những giải đáp của Kinh Nghiệm Số về Tháng củ mật; cùng với đó là một số điều kiêng kỵ trong tháng cuối cùng của năm để chúng ta có một năm mới trọn vẹn hơn. Hy vọng rằng, bài viết đem đến những kiến thức tham khảo hữu ích cho bạn đọc! Chúc bạn đọc một năm mới sức khỏe, bình an nhé! 

Nhunq
Nhunq
Mình là Lại Thị Hồng Nhung và hiện tại đang là tác giả viết bài tại trang thủ thuật Kinh Nghiệm Số. Mình luôn hướng tới việc chia sẻ niềm đam mê, kiến thức sâu rộng về công nghệ, ứng dụng - phần mềm, trò chơi game và kiến thức đời sống cho mọi người. Với 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực viết bài công nghệ, Nhung tin rằng những chia sẻ của mình sẽ giúp ích cho bạn đọc.

- Advertisement -