Cây xanh hay cây cảnh không chỉ giúp trang trí làm đẹp cảnh quan mà còn có tác dụng lọc không khí, tạo không gian sống chất lượng. Nghiên cứu từ các nhà khoa học NASA đã chỉ ra những loại cây trồng thanh lọc không khí trong nhà rất hiệu quả. Trong bài viết kiến thức này, Kinh Nghiệm Số sẽ tổng hợp đến bạn những loại cây đó mà dễ trồng, dễ chăm sóc nhất nhé.
Cây xanh có thể loại bỏ được những chất độc nào?
Nasa Clean Air Study là một dự án có mục đích nghiên cứu cách giúp làm sạch không khí trong trạm không gian.
Kết quả các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngoài việc hấp thụ carbon dioxide và giải phóng khí oxi thông qua quá trình quang hợp. Một số loại cây xanh trồng trong nhà có thể loại bỏ nhiều tác nhân độc hại như: Benzen, fomandehit, amoni, xylen và tricloetylen có trong không khí. Đó đều là các chất hóa học gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, gây ra một số triệu chứng như ngứa mắt, chóng mặt, đau đầu…
Các chuyên gia trong nhóm Nasa cũng đưa ra đề nghị nên mỗi 10m2 nên trồng ít nhất 1 loại cây xanh. Dù nghiên cứu được tiến hành từ khá lâu tuy nhiên nó vẫn đảm bảo được sự toàn diện và tính chính xác nhất cho tới nay.
Có thể bạn chưa biết: Tại sao lá cây có màu xanh? Khám phá thú vị về lá cây
Một số cây trồng thanh lọc không khí trong nhà dễ trồng, dễ chăm sóc
Cây thường xuân (Hedera Helix)
Cây thường xuân có tên tiếng Anh là Ivy, tên khoa học là Hedera Helix. Theo các nhà khoa học, lá cây thường xuân có khả năng hấp thụ rất tốt các chất gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là benzen, fomandehit, toluen và xylen. Đây là những chất xuất hiện từ xốp cách điện, thảm, gỗ dán,, nhựa… sẽ thải ra theo thời gian.
Bên cạnh đó, các thành phần của cây thường xuân còn là vị thuốc quý, thành phần quan trọng trong nhiều sản phẩm y dược, mỹ phẩm được ưa chuộng.
Cây thường xuân dễ trồng, có sức sống vô cùng mạnh mẽ, khả năng chịu rét tốt thích ứng cao trong môi trường nhiệt độ cao.
Cây lan ý (Mauna Loa)
Cây lan ý hay còn được gọi là huệ hòa bình có tên tiếng Anh là Peace Lily. Các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu đã chỉ ra được khả năng hấp thụ rất tốt benzen VOC từ cây lan ý. Đây là một chất gây ung thư có nhiều trong sơn, các loại chất đánh bóng, sáp đánh bóng cho các đồ vật nội thất.
Mặt khác, cây lan ý còn có tác dụng giúp trung hòa các loại khí thải độc hại phát từ các thiết bị điện tử, chất tẩy rửa, chất kết dính.
Thuộc loại cây ưa ẩm, vậy nên cây Lan Ý thích nghi tốt trong môi trường thiếu ánh sáng; rất thích hợp trồng trong các chậu nhỏ trong nhà, ban công, bàn làm việc hoặc văn phòng…
Cây dương xỉ Mỹ (Nephrolepis Exaltata)
Cây dương xỉ Mỹ thuộc loài cây thân thảo, xanh quanh năm có tên gọi tiếng Anh là Boston Fern.
Ngoài khả năng loại bỏ chất độc hại asen, thủy ngân cây dương xỉ Mỹ còn hấp thu tốt nhiều chất gây hại cho sức khỏe con người: xylene, toluene, aldehyde formic; mang lại bầu không khí trong lành, thoải mái cho con người.
Loại cây này còn được dân văn phòng sử dụng trang trí bởi khả năng làm giảm được bức xạ từ máy in, máy tính hiệu quả. Cây dương xỉ cũng thuộc loại cây ưa ẩm. Vậy nên bạn có thể trồng cây này trong nhà không cần ánh sáng mặt trời mà chỉ cần tưới đủ nước là được nhé.
Cây lưỡi hổ (Sansevieria Trifasciata)
Đứng vị trí tiếp theo trong danh sách các cây trồng thanh lọc không khí trong nhà do Nasa công bố là cây lưỡi hổ. Tên tiếng Anh cây là Snake Plant và tên khoa học là Sansevieria Trifasciata. Đặc điểm loài cây này là lá dài, có vằn vằn giống con rắn và ưa ánh sáng thấp.
Theo NASA, cây lưỡi hổ có tác dụng làm giảm formaldehyde, carbon dioxide và benzen trong không khí. Ban đêm, cây lưỡi hổ không hô hấp mà vẫn quang hợp hấp thụ khí CO2 và nhả ra khí oxi. Chính vì thế, bạn có thể đặt cây lưỡi hổ trong phòng ngủ, phòng có máy tính, máy in.
Cây trầu bà (Epipremnum aureum)
Cây trầu bà còn được gọi là trầu bà vàng, sắn dây hoàng kim hay vạn niên thanh leo. Trầu bà thuộc loài cây ưa sáng nhưng cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.
Được đánh giá là một trong những cây trồng thanh lọc không khí trong nhà, loài cây này giúp khắc phục tình trạng các khí carbon monoxide, formaldehyde và benzen trong nhà. Cây trầu bà rất dễ sống. Bạn có thể trồng trong đất hoặc trồng thủy canh đều được nhé.
Cây dây nhện (Chlorophytum comosum)
Đứng vị trí tiếp theo trong danh sách các cây trồng thanh lọc không khí trong nhà được giới chuyên gia đánh giá cao là cây dây nhện. Tên tiếng Anh loài cây này là Spider plant.
Điểm đặc biệt của cây cây nhện là khả năng quang hợp dưới ánh sáng tối thiểu. Cây có tác dụng hấp thụ nhanh được nhiều chất độc từ không khí như Formaldehyde, Carbon monoxide, Styrene và xăng.
Ngoài ra, trồng một cây dây nhện trong nhà, văn phòng còn giúp chuyển hóa chất khí gây ung thư như Aldehyde formic thành amoni acid và đường.
Cây lô hội (Aloe)
Cây lô hội (nha đam) vốn được nhiều người biết đến với tác dụng làm thuốc chữa bệnh, thực phẩm song khả năng làm sạch không khí hiệu quả thì rất ít người biết đến.
Đặc biệt, cây có khả năng giúp hiển thị được lượng ô nhiễm không khí vượt mức thông qua những đốm nâu trên thân cây.
Không chỉ dễ trồng, cây lô hội còn chịu được khô, nóng, ưa sáng và phát triển nhanh. Bạn có thể đặt một chậu cây lô hội trên bàn làm việc, ban công, cửa sổ cũng rất đẹp nhé.
Cây cọ lá tre (Chamaedorea elegans)
Từ lâu, cọ lá tre vốn đã được các nhà khoa học đánh giá cao về khả năng lọc không khí. Tính năng tốt nhất của nó là loại bỏ được khí benzen, trichloroethylene có trong không khí; giúp đem lại không khí trong lành cho gia đình bạn.
Theo đánh giá các nhà khoa học NASA, cọ lá tre là một trong những loại cây xanh có tác dụng điều hòa không khí tốt nhất. Khi trồng cọ lá tre trong nhà bạn nên tưới nhiều nước và tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp nhé.
Như vậy, Kinh Nghiệm Số đã cùng bạn đọc điểm qua những loại cây trồng thanh lọc không khí trong nhà đã được các nhà khoa học kiểm nghiệm. Chắc hẳn, đây sẽ là thông tin cực kỳ cần thiết cho việc phải ở nhà vào mùa dịch. Và đặc biệt, có thêm những chậu cây nhỏ xinh vừa giúp không gian xanh mát; và duy trì không gian sạch đáng để trở về.
Tìm hiểu thêm: Cách chăm sóc Hoa sen đá