Bill Gates, Jack Ma, Steve Jobs hay đủ những minh chứng về sự thành công đi lên từ tay trắng có thể nói cho bạn nghe những điều đầy mê hoặc, đầy tính triết lý về sự thành công. Nhưng nếu tỉnh táo và muốn mình được như họ, điều đầu tiên bạn phải làm là bịt tai lại và đừng nghe họ nói.
Nhưng khi ta đã bị hạ đo ván, hay khi ta cảm thấy quá chán chường sau nhiều năm bươn chải mà thực tế sao chỉ toàn đắng cay, ta bắt đầu cảm thấy hình như có gì đó rất sai!
Đó cũng là lúc bạn bắt đầu học được những bài học đầu tiên về cách đặt lòng tin.
Và bây giờ, để tôi nói bạn nghe, vì sao chúng ta không thể tin vào câu chuyện làm giàu hay câu chuyện thành công của người khác.
Trong 1 lần phỏng vấn, Chủ tịch công ty quảng cáo 24h Phan Minh tâm đã từng nói: “Đừng nghe những câu chuyện thành công, dù của Bill Gates hay Jack Ma, hay ngay cả chuyện thành công của ông chủ 24h. Mọi người cứ bảo tôi chia sẻ thành công, nhưng các bạn không thể “bơi” lại thành công. Có thể đã từng có một câu chuyện thành công như thế, nhưng khung thời điểm của câu chuyện ấy đã không còn nữa (PV: Gọi là thiên thời địa lợi khi sự việc ấy xảy ra). Các doanh nhân chia sẻ cho các bạn bí quyết, mặc dù có thể bạn thông minh hơn, tài giỏi hơn, nhưng nếu làm lại giống vậy thì tỷ lệ thành công tôi đánh giá chỉ 1/1000, 999 bạn còn lại không thể thành công được”.
Nếu bạn đã từng đọc tiểu thuyết “Hồn ma sành điệu” của nhà văn Sophie Kinsella, chắc hẳn bạn có biết một chi tiết khá buồn cười trong sách khi nhà văn miêu tả về một vị “diễn giả về làm giàu”. Ông ta đi khắp nơi với bài diễn thuyết ấn tượng là bắt khán giả giơ cao đồng tiền và đọc khẩu hiệu, như kiểu gửi sự khát khao kiếm tiền của mình vào vũ trụ và rồi chúng ta sẽ được đền đáp xứng đáng, rồi hàng loạt những giáo lý, điều luật khác về cách mà ông ta đã làm giàu.
Nhưng điều không ngờ nhất, là hóa ra ông không kiếm bạc tỷ ở nơi nào khác cả, mà tất cả những vị khán giả đang say sưa đặt hết niềm tin vào vị “diễn giả làm giàu” kia mới chính là nguồn kiếm tiền của ông ta. “Vị diễn giả” không bán kinh nghiệm, ông ta chỉ bán những lời hô hào đẹp đẽ. Xã hội của chúng ta đã quá quen với việc đặt câu hỏi Ai đó đã thành công như thế nào? Các quầy sách ngập tràn đầu sách về năm điều mười lẽ bạn cần làm, cần học để trở nên giàu có hơn. Nhưng rốt cuộc bạn sẽ nhận ra có quá nhiều “thuyết âm mưu” hay điều chưa kể đằng sau những lời đẹp đẽ nào đó.
Hồi trước, có một lần tôi biên tập bài phỏng vấn của một bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực khá thú vị và mới mẻ, nhưng có câu hỏi vẫn chưa được trả lời trọn vẹn, tôi bảo cộng tác viên đi khai thác thêm. Cụ thể là bạn trẻ ấy đã huy động vốn như thế nào, vì ai cũng biết điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp là tìm được những nhà đầu tư thiên thần – người sẽ bỏ tiền vào dự án. Rốt cuộc, câu trả lời là: Gia đình của bạn trẻ đó rất giàu có, và họ đã chi rất nhiều tiền cho con mình khởi nghiệp.
Nhưng bạn trẻ kia đề nghị không ghi chi tiết ấy vào bài viết với lý do: Sợ rằng viết như thế sẽ làm chùn bước những bạn trẻ khác cũng đang muốn khởi nghiệp (!) Câu chuyện này khiến tôi nhớ về một lần đọc được ở đâu đó viết về Donald Trump, rằng chàng thanh niên Trump ở vào tuổi đôi mươi tươi đẹp và giàu nhiệt huyết nhất, đã quyết định không ăn bám gia đình và khởi nghiệp với đâu đó chừng… 14 triệu đô la vay từ bố, chưa kể trong lúc kinh doanh khó khăn đã mượn của bố thêm 9 triệu đô la.
Nói vậy không có nghĩa là anh bạn trẻ kia hay Donald Trump hay bất cứ ai khởi nghiệp từ tài sản kếch xù của gia đình đều là người không tài giỏi. Họ giỏi chứ, ở đây không bàn về họ! Tôi chỉ muốn nói nếu bạn chưa bao giờ là phóng viên phỏng vấn hay biên tập viên, thì khi bạn lướt qua những con chữ trên mặt báo, bạn sẽ không bao giờ biết được điều gì đã được chọn ẩn đi trong những câu chuyện thành công khiến gần như cả thế giới phải nức lòng ngưỡng mộ.
Nếu như tôi không tình cờ là biên tập viên của bài phỏng vấn đó, nếu như Donald Trump không ra ứng cử tổng thống khiến phe đối thủ phải đào xới profile thực sự của ông ta lên, thì có lẽ những dòng này cũng sẽ không bao giờ được viết ra.
Lý do cuối cùng tôi muốn nói rằng vì sao bạn không nên cả tin vào những điều đẹp đẽ, đó là vì xã hội chúng ta chưa quen nhìn nhận thất bại. Với đa số, thất bại chỉ là thua cuộc mà thôi! Mark Cuban đã viết trong một cuốn sách của ông: “Không quan trọng là bạn thất bại bao nhiêu lần (…) Tất cả những gì bạn cần làm là học từ chúng và từ những gì xung quanh, bởi vì điều quan trọng nhất trong kinh doanh chính là một lần bạn đạt đến thành công. Và khi đó, mọi người có thể nói rằng bạn may mắn như thế nào”.
Tất cả những người thành công đều từng thất bại nhiều hoặc rất nhiều lần. Không phải chúng ta không biết! Thực ra thế giới này cũng đã đầy rẫy những câu chuyện lên voi xuống chó. Nhưng giống như bước vào một cuộc hôn nhân, đa phần chúng ta đều đặt sai câu hỏi. Thay vì: “Anh/em tuyệt vời đến thế nào”, lẽ ra chúng ta phải hỏi: “Anh/em có thể điên rồ và không thể chịu nổi đến cỡ nào?”. Trong công việc, sự nghiệp, đa phần chúng ta đều hỏi: “Mình có thành công được như người đó không?”, trong khi lẽ ra phải hỏi: “Mình có thể chịu nổi những thất bại mà người đó từng trải qua hay không?”.
Ví dụ, nếu bạn muốn được như Mark Cuban, ông chủ của một đội bóng, doanh nhân, nhà làm phim thuộc hàng tỷ phú Mỹ, bạn phải chắc rằng mình có thể đi qua được những năm tháng mà ông đã từng không ngần ngại chia sẻ: “Tôi về đến nhà và thấy cả căn phòng tối om vì không đủ tiền trả hóa đơn tiền điện. Đó vừa là nguồn động lực to lớn lại vừa là nỗi xấu hổ khó quên”.
Nếu bạn mơ một giấc mơ tỷ phú, hãy chuẩn bị tinh thần cho rất nhiều năm tháng bạn phải sống như một ăn mày khu ổ chuột! Đó chính là hiện thực!
Có một thí nghiệm thế này: đem 5 con ong và 5 con ruồi nhốt chung trong một chai thủy tinh, sau đó đặt ngang cái chai, hướng cho đáy chai quay về cửa sổ. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Thực ra điều này có thể gây lúng túng cho một số người. Kiên định cũng là tốt, mà uyển chuyển cũng là tốt? Làm người có nguyên tắc là tốt, nhưng biết thay đổi để thích nghi cũng là tốt? Rốt cuộc chúng ta phải làm sao mới đúng? Tin vào bản thân là tốt, mà không tin vào bản thân cũng là tốt, ủa vậy rốt cuộc là thế nào? Câu trả lời chính là:
Cân bằng mới là tốt! Liều lượng chính là thứ quan trọng! Ở đời, nói cho vui thì là: tuyệt đối không có gì là tuyệt đối!
Nếu bạn phải sợ một trong hai loại người: người hiểu biết mà quá kiên định, và người kém hiểu biết nhưng sẵn sàng thích nghi, thì bạn nên sợ hạng người thuộc vế đầu tiên. Bởi vì người quá kiên định thường khó lòng đối thoại. Họ có định kiến quá mạnh về mọi thứ, dán nhãn lên mọi loại người. Bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì có thể họ quá kiêu hãnh để chấp nhận một ý kiến khác mình, hoặc có thể vì họ tùy tiện phán xét và xếp bạn vào một nhóm loại nào đó, quá nặng nề định kiến hoặc quá hời hợt về cảm quan. Họ có thể rời bỏ thứ gì đó rất nhanh vì đã dán nhãn “rác”, và cũng bâu vào một suy nghĩ nào đó rất chặt, vì tin nó là “đúng”.
Cả tin vào người khác đã đáng sợ, nhưng ít ai nghĩ rằng mình cũng có thể bị lừa bởi chính bản thân mình.
Chính vì thế một khi bạn đã là người quá cả quyết vào bản thân, người khác sẽ không còn muốn mở ra cho bạn thấy những cánh cửa khác nữa. Họ sẽ im lặng, hoặc rời đi một mình. Giống như nếu hình dung thí nghiệm ở trên là một bộ phim, chúng ta sẽ thấy một lũ ong ầm ầm cả quyết lao về đáy chai, không một con ong nào có thể nghe thấy tiếng gọi của những chú ruồi. Ngay cả khi tất cả ruồi đã thoát ra khỏi miệng chai, hẳn là đàn ong cũng không thèm bận tâm.
Thực ra, bao nhiêu niềm tin đặt vào đâu là một bài toán rất khó của mỗi người. Ngày hôm nay ta có thể rất tin vào điều này để rồi ngay ngày mai tại một khúc quanh của cuộc đời mọi thứ bỗng ngã đổ rất đau lòng. Điều duy nhất ta có thể bám víu chính là sự tương đối và mưu cầu cân bằng giữa mọi thứ. Quá nghi ngờ cũng không tốt nhưng hãy luôn để mở cho mình những khả năng khác. Đừng bao giờ để bản thân bị mắc kẹt trong những câu chuyện của người khác và cả trong những cả quyết của bản thân mình
Xem thêm: Kinh nghiệm phượt Đà Lạt tự túc 2017
Nguồn Kenh14