Đánh giá Pin Samsung Galaxy S10 3.400 mAh chi tiết. Siêu phẩm Galaxy S10 được nhắc đến thiết kế tuyệt đẹp, hiệu năng mạnh mẽ. Bạn có đang tò mò về thời lượng sử dụng pin của máy như thế nào chứ? Nào hãy cũng Kinh Nghiệm Số tìm hiểu thật hư về thời lương pin Samsung Galaxy S10 nhé!
Pin lớn hơn có giúp Galaxy S10 hấp dẫn hơn Galaxy S9 năm ngoái?
Từ khi ra mắt sản phẩm này, bản thân tôi có cảm tình hơn với chiếc Galaxy S10 vì thiết kế chỉ một camera nốt ruồi ở mặt trước so với cụm camera kép trên S10+. Nói thẳng ra là nó ưa nhìn hơn trong khi kích thước có sự cân bằng lý tưởng giữa kích thước hiển thị (màn hình 6,1 inch) cho tới cầm nắm và bỏ túi quần (nam giới dùng mà).
Có lẽ bạn cũng đã xem qua việc trải nghiệm trên tay Samsung Galaxy S10 rồi đúng không nào.
Trước đó chiếc Galaxy S8/S9 lại không có sự ưu ái từ tôi như vậy bởi không chỉ thua thiệt về camera so với bản Plus mà còn có thời lượng pin khá hẻo. Năm nay Galaxy S10 vừa “đủ đầy” bộ ba camera sau lại còn sở hữu viên pin 3.400 mAh, lớn hơn 400 mAh so với chiếc Galaxy S9 và chỉ thua 100 mAh trên chiếc S9+ năm ngoái. Con số khá hứa hẹn để giúp Galaxy S10 trở nên hấp dẫn hơn so với hai người tiền nhiệm.
Kịch bản dùng pin Samsung Galaxy S10 của tôi:
• Bật 24/7 các kết nối Wifi, 4G, Bluetooth, GPS, lắp đủ 2 SIM
• Màn hình để độ sáng tự động (chủ yếu dùng trong nhà và khu vực bóng râm có mái che nếu ở ngoài trời)
• Chỉ dùng chế độ rung, âm thanh khi xem video thông qua kết nối Bluetooth tới tai nghe/loa ngoài
• Mặc định Samsung cấu hình cho Galaxy S10 hiển thị ở độ phân giải Full HD+, tôi để nguyên thay vì chỉnh lên 2K – độ phân giải tối đa máy hỗ trợ vì hầu như không thấy được sự khác biệt.
• Tác vụ dùng nhiều nhất là hàng trăm tin nhắn mỗi ngày từ Messenger, Zalo, email. Lướt web và leo rank Liên Quân Mobile mỗi khi nghỉ trưa và buổi tối.
Tình trạng chung 2 ngày đầu mới sử dụng mẫu smartphone này là pin tụt khá nhanh, tôi thường rút sạc lúc 7h sáng tới 17h chỉ còn khoảng đâu đó hơn 20%. Nhiều người dùng cũng phản ánh tình trạng tương tự. Theo như tin tức Samsung cho biết, máy dùng AI để học thói quen sử dụng mỗi người và phải mất vài ngày để tối ưu hóa. Nghe có vẻ hợp lý nhưng cải thiện cụ thể ra sao thì lại khá mơ hồ (không đong đếm chính xác được).
Kinh nghiệm bản thân dùng qua nhiều dòng điện thoại, hầu như sản phẩm nào cũng mất khoảng thời gian đầu để pin trở nên ổn định vì cần đồng bộ hóa tài khoản, dữ liệu, tải và cài đặt các bản cập nhật mới, … Vì thế với Galaxy S10 đó cũng là việc bình thường.
Sau vài ngày mọi thứ ổn định, tôi có thể dùng tới tầm 19h – 20h trước khi pin còn 20%. Phải nói cho rõ, đó là những ngày tôi bận rộn ngồi làm việc trong phòng máy lạnh, phần lớn thời gian dùng laptop, chủ yếu vọc vạch điện thoại thời gian từ 11h30 – 13h.
Những ngày ra ngoài dùng kết nối 4G hay chơi game leo rank cùng đám bạn hàng giờ thì pin Galaxy S10 chỉ trụ từ sáng tới tầm 16 – 17h là cần cắm sạc. Tựu chung máy đủ dùng cho một ngày làm việc, không hơn. Những ai hay di chuyển hoặc đi du lịch với kết nối 4G, chụp ảnh, quay phim nhiều thì việc mang theo pin dự phòng là điều không tránh khỏi.
Để so sánh với các Flagship khác hiện nay, tôi chọn ứng dụng PCMark For Android với phép thử Work 2.0 Battery Life. Ứng dụng sẽ giả lập môi trường thao tác hằng ngày như lướt web, email, giải trí với màn hình hoạt động liên tục, từ đó cho ra kết quả thời gian sử dụng từ mức pin 100% đến khi máy còn 20%.
Kết quả khá ấn tượng khi em nó vượt mặt cả chiếc Galaxy S9+ và thua tầm 30 phút so với chiếc Galaxy Note9. Nếu bạn nào thắc mắc so với S10+ thì sao, một số trang đánh giá nước ngoài cho thấy mẫu máy này ghi nhận kết quả khoảng 11h (bản dùng chip Snapdragon 855).
Kết quả này có được ngoài pin lớn hơn còn nhờ một phần máy dùng vi xử lý Exynos 9820 mới trên tiến trình 8 nm so với thế hệ 9810 tiến trình 10 nm của dòng flagship Samsung năm ngoái. Ngoài ra việc tối ưu phần mềm và cả AI học hỏi thói quen người dùng (có thể) cũng sẽ đóng góp vào thời gian sử dụng của người dùng.
>>Xem thêm: Cách kiểm tra bảo hành điện thoại Samsung
Cần nâng cấp chuẩn sạc nhanh
Chuẩn Fast Charging công suất 15W được Samsung giới thiệu lần đầu trên chiếc Galaxy S5 và từ đó tới nay vẫn được duy trì. Thậm chí năm nay hãng đã bắt đầu hào phóng mang chuẩn sạc nhanh này trang bị lên cả những sản phẩm tầm trung của mình như chiếc Galaxy M20 là một ví dụ. Trang bị chuẩn sạc nhanh và trong hộp đi kèm củ sạc có chuẩn tương ứng, điều đó giúp Samsung vẫn đang làm tốt hơn Apple những năm qua.
So với các hãng Android lại là câu chuyện khác, ít nhất trên mặt trận smartphone cao cấp. OPPO có Super VOOC lên tới 50 W, thậm chí chuẩn VOOC 1.0 trên chiếc OPPO F9 cũng đã 20W. Huawei từ chiếc P20 Pro đã dùng Super Charge 1.0 công suất 22W, tới chiếc Mate 20 Pro được nâng lên Super Charge 2.0 40W. Xiaomi bao năm nay vẫn trung thành với Quick Charge của Qualcomm và chiếc Mi 9 mới nhất trang bị Quick Charge 4+ công suất 27W (củ sạc đi kèm máy chỉ đạt 18W, người dùng buộc phải mua thêm củ sạc 27W).
Samsung cho biết bộ ba Galaxy S10 năm nay dùng chuẩn sạc không dây Fast Wireless Charging 2.0 công suất lên tới 12W so với mức tối đa 10W trên Galaxy Note9 trở về trước. Khá đáng tiếc khi tôi không có bộ đế sạc đôi không dây công suất 25W của Samsung để trải nghiệm. Tuy nhiên với thông số kỹ thuật chuẩn Fast Wireless Charging 2.0, có vẻ bộ ba Galaxy S10 sẽ tận dụng hết khả năng của đế sạc chính chủ này.
Wireless Powershare – chia sẻ pin cho thiết bị khác: tính năng nên dùng khi bạn không còn lựa chọn sạc nào
Wireless Powershare là tính năng lần đầu xuất hiện trên dòng smartphone cao cấp của Samsung. Thông qua chuẩn sạc không dây Qi, người dùng có thể dùng chiếc Galaxy S10 của mình nạp năng lượng cho thiết bị có hỗ trợ sạc không dây khác. Huawei Mate 20 Pro ra mắt năm ngoái cũng có tính năng tương tự như vậy.
Bixby Routines – tối ưu viên pin trên Galaxy S10 và còn hơn thế
Tạm bỏ qua việc máy dùng AI để học thói quen người dùng để tối ưu viên pin như thế nào, nếu dùng Galaxy S10 thì bạn nên tận dụng tính năng Bixby Routines để tận hưởng sự tiện lợi mà nó mang lại. Đơn giản là bạn đặt ra những kịch bản sử dụng như nếu ở nhà (máy dùng GPS để định vị) thì sẽ tắt 4G, chỉ dùng wifi, bật chuông để bạn dễ biết có cuộc gọi tới chẳng hạn. Nó không chỉ tối ưu viên pin của máy khi tắt bớt các kết nối không cần thiết mà còn giúp bạn sử dụng smartphone một cách thuận tiện nhất. GenK sẽ có bài viết chi tiết về tính năng này gửi tới độc giả thời gian tới.