Ngay khi bạn nghĩ vậy, cảm xúc đã bị ấn định cho cả ngày, và bạn sẽ mệt mỏi thật sự.
- Confetti trên Facebook, thực sự đó là gì mà hot đến vậy?
- Tập đoàn Thiếu Lâm Tự kinh doanh triệu USD ít người biết tới
Đã bao giờ bạn tỉnh dậy vào sáng sớm và tự nhủ: “Hôm nay sẽ là một ngày mệt mỏi”? Và trong suốt cả ngày, bạn cảm thấy đúng thật, mình chẳng còn năng lượng để làm gì cả.
Giả sử như bạn tạm quên những việc cần làm ngày hôm đó đi một lúc, tỉnh dậy mà không nghĩ ngợi gì hoặc tự nói mình sẽ có một ngày tuyệt vời thì sao?
Nghiên cứu cho thấy việc dự đoán trước về một ngày căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng nhận thức của bạn trong cả ngày. Chỉ riêng hành động dự đoán đó, chưa cần biết có đúng hay không, cũng khiến bạn bị giảm hiệu suất não bộ.
Làm điều ngược lại thực sự tốt hơn, mỉm cười khi thức dậy và nghĩ rằng “Hôm nay mình sẽ có một ngày tuyệt vời”.
“Con người có thể suy nghĩ và dự đoán mọi thứ trước khi chúng xảy ra, điều này có thể giúp chúng ta chuẩn bị và thậm chí ngăn chặn một số sự kiện nhất định”, nhà tâm lý học nhận thức Jinshil Hyun đến từ Đại học bang Pennsylvania giải thích.
“Nhưng nghiên cứu này cho thấy khả năng đó cũng có thể gây hại cho chức năng bộ nhớ hàng ngày của bạn, không phụ thuộc vào các sự kiện căng thẳng có thực sự xảy ra hay không”.
Để kiểm tra giả thuyết, nhóm của Hyun đã tuyển dụng 240 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 25 đến 65 để tham gia vào một thử nghiệm hai tuần. Họ được yêu cầu cài vào điện thoại thông minh của mình một ứng dụng nhắc nhở.
Mỗi khi thức dậy, ứng dụng sẽ hỏi người dùng dự đoán về ngày hôm nay của mình, xem họ có nghĩ đó là một ngày căng thẳng hay không. Sau đó, vào 5 thời điểm khác trong ngày, ứng dụng tiếp tục yêu cầu người dùng đánh giá mức độ căng thẳng hiện tại của họ.
Một lần cuối cùng vào ban đêm, họ tiếp tục được yêu cầu dự đoán tình trạng căng thẳng của ngày hôm sau. Ngoài ra, trong suốt thời gian ban ngày, mỗi tình nguyện viên cũng phải hoàn thành một số bài kiểm tra ghi nhớ, trong đó, họ nhận được thử thách nhớ vị trí của các dấu chấm trên những ô kẻ caro.
Kết thúc thử nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy khi các tình nguyện viên dự đoán mình có một ngày căng thẳng khi vừa thức dậy, trí nhớ của họ làm việc kém hiệu quả trong cả ngày hôm đó. Thú vị là những dự đoán vào ban đêm không gây ảnh hưởng đến trí nhớ vào ngày hôm sau.
Các nhà khoa học cho rằng việc thức dậy trong cảm xúc không tốt gây ra tình trạng “suy giảm sự chú ý” – khi những căng thẳng chiếm mất tài nguyên trong não bộ, làm giảm hiệu suất của các nhận thức đòi hỏi sự chú ý.
“Điều quan trọng là, sự ảnh hưởng từ việc dự đoán căng thẳng còn cao hơn tác động của các sự kiện căng thẳng thực sự đã xảy ra”, các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí The Journals of Gerontology: Series B. “Riêng việc dự đoán [trong đầu] có thể tạo ra hiệu ứng độc lập với sự hiện diện của một tác nhân gây căng thẳng bên ngoài”.
Cũng giống như bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, phát hiện từ nghiên cứu này cho thấy cảm xúc và tâm trạng vào buổi sáng cũng quan trọng không kém. Nó có thể quyết định đến cả ngày còn lại của bạn.
“Khi thức dậy vào buổi sáng với một dự đoán nhất định cho ngày mới của mình, về một mặt nào đó thì con xúc xắc đã được gieo ra”, nhà thần kinh học Martin Sliwinski cho biết.
“Nếu bạn nghĩ rằng ngày của mình sẽ căng thẳng, bạn sẽ cảm thấy những hiệu ứng đó ngay cả khi không có gì căng thẳng xảy ra. Điều đó đã không được thể hiện trong các nghiên cứu, cho đến tận bây giờ, và nó cho thấy tác động của cách chúng ta suy nghĩ về thế giới “.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ ứng dụng những phát hiện này để thiết lập các biện pháp giảm stress bằng tâm lý. Trước khi các phương pháp trị liệu được thiết lập, bạn có thể tự nhắc nhở mình hãy thức dậy một cách sảng khoái và đừng lo gì về ngày mới của mình vội.
Tốt nhất, hãy cứ mỉm cười và nghĩ hôm nay mình sẽ có một ngày thật tuyệt vời
Theo Sciencealert