Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở.
Bitcoin được phát hành năm 2009 bởi một nhân vật bí ẩn có biệt danh Satoshi Nakamoto. Đồng tiền ảo này có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.
Với những đặc tính quan trọng như ẩn danh, giao dịch không cần lệ phí, càng ngày, nó càng được nhiều người tin tưởng và chấp nhận. Bitcoin có độ bảo mật cao, xuất hiện và được phân chia hoàn toàn tự động dựa trên các thuật toán và ai cũng có thể sở hữu thông qua việc giải mã các phương trình toán học và đưa ra đáp án, hay còn gọi là “đào”.
Khái niệm “đào” trên thực tế là việc Bitcoin được cấp tới các máy tính để trả công cho việc chúng tham gia vào hoạt động xác minh giao dịch và ghi chúng vào một cuốn sổ cái (blockchain). Cuốn sổ này được phân tán trong mạng ngang hàng và sử dụng Bitcoin là đơn vị kế toán. Bitcoin cũng không phải là một đơn vị cụ thể, nó có thể được chia nhỏ hơn nữa tới 100 triệu đơn vị nhỏ hơn gọi là Satoshi, được đặt tên theo người sáng lập.
Là một hệ thống phân cấp, Bitcoin không có bên thứ ba nào đứng ra làm trung gian điều khiển. Thao tác “đào” cũng chính là việc giúp xác nhận giao dịch từ người này qua người kia, cũng như ngăn chặn hành vi gian lận giao dịch cùng lúc với nhiều người.
Người dùng lưu trữ Bitcoin thông qua ví Bitcoin, là một địa chỉ dài khoảng 27-34 chữ số, dùng để nhận và gửi nó. Không ai biết địa chỉ này gắn với cá nhân nào, tạo nên tính bảo mật đặc trưng của đồng tiền ảo này. Mỗi người có thể tạo nên vô số địa chỉ mà không cần trùng lặp và có thể gửi nhận nhanh chóng bằng máy tính hay ứng dụng trên điện thoại.
Ban đầu, những người tham gia sử dụng máy tính thông thường để cày Bitcoin. Tuy nhiên, dần dần họ nhận ra khi sử dụng cùng lúc nhiều card đồ họa thì các giao dịch xử lý được thực hiện nhanh hơn. Ngày nay, một bộ máy tính để cày Bitcoin thường được gắn từ 4 tới 6 card đồ họa, có giá khoảng 40-50 triệu đồng. Một số bo mạch đời mới cho phép cài đặt 8 card đồ họa cùng một lúc.
Tuy nhiên, chỉ có một số dòng card như GTX 1060 hay AMD RX 570 là mang lại hiệu quả trên giá thành cao nhất, luôn được các dân cày săn lùng. Cơn sốt Bitcoin đẩy giá card đồ họa lên tới đỉnh điểm, bởi đây là linh kiện thiết yếu và cũng thường xuyên hỏng hóc, phải thay mới sau một thời gian hoạt động. Nhiều người thậm chí mua cả những dòng card đắt tiền hơn về cày, chấp nhận chi phí bị đội lên khá lớn. Bên cạnh tiền mua card đồ họa thì tiền điện và các thiết bị làm mát, thông gió cho khu vực đặt thiết bị cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng chi phí hoạt động của toàn hệ thống.
Trên thực tế, CPU hay GPU vẫn chưa phải là lựa chọn tốt nhất để đào Bitcoin. Người ta đã tạo ra một con chip riêng biệt cho công việc này, có tên gọi tắt là ASIC. Nó có tác dụng duy nhất là giải mã các hàm với hiệu quả mang lại cao hơn rất nhiều card đồ họa.
Hiện nay, các kiến thức về Bitcoin, kinh nghiệm xây dựng dàn máy, bố trí nhà xưởng, cách khắc phục lỗi xảy ra trong quá trình hoạt động… gần như đều được chia sẻ công khai trên Internet. Người dùng có tiền, chịu đầu tư thời gian công sức đều có thể tham gia sân chơi này.
Nhưng không giống thời kỳ đầu, giờ đây việc “cày” Bitcoin không phải cuộc chơi may mắn. Ai sở hữu dàn máy tính có cấu hình tốt, số lượng nhiều sẽ chiếm được khả năng đào nhiều Bitcoin hơn. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các dân “cày” cũng khiến cho tỷ lệ sinh lời giảm, khiến những nhà đầu tư nhỏ lẻ không bù đắp được chi phí và buộc phải tạm dừng cuộc chơi, nhường đất cho các đại gia. Các “nông trường” đào Bitcoin ở các quốc gia lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Iceland có tới hàng nghìn bộ máy tính hoạt động liên tục năm này qua năm khác, với chí phí lên tới hàng trăm nghìn USD tiền máy móc, nhà xưởng, linh kiện, điện, hệ thống làm mát. Chúng được xây dựng tại một số địa điểm nhất định trên thế giới như thế này bởi đơn giản tại đây giá điện năng rất rẻ.
Theo tính toán, Bitcoin sẽ vẫn còn đủ để đào đến năm 2040. Sau thời điểm đó, nó có thể tiếp tục được tạo ra theo hình thức hiện tại hoặc dưới dạng phiên bản mới. Giống như tiền đôi khi vẫn bị coi là một tờ giấy vụn, giá trị của tiền ảo Bitcoin dựa trên sự tin tưởng của mọi người vào nó làm công cụ thanh toán. Khi có càng nhiều người chấp nhận, giá trị của Bitcoin càng tăng lên.
Trước đây, Bitcoin được xem là đồng tiền thường được sử dụng bởi các tổ chức tội phạm. Nhưng giờ đây, nhiều quốc gia và các tổ chức tài chính trên thế giới đã công nhận Bitcoin và đưa chúng vào hoạt động kinh doanh thực tiễn. Đồng tiền này thậm chí cũng lên xuống, dao động dựa trên tình hình kinh tế chính trị thế giới như khủng hoảng chiến tranh ở Triều Tiên, bầu cử tổng thống Mỹ… Dẫu vậy, một số quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Nga vẫn cấm giao dịch và có thái độ tiêu cực với đồng tiền ảo này.
Giá Bitcoin hiện tăng lên mức kỷ lục, hơn 4.700 USD một bitcoin. Nó cũng kéo theo sự tăng giá của một số đồng tiền ảo khác như Linecoin, Ethereum… Tuy nhiên, chơi Bitcoin cũng có không ít rủi ro bởi giá của nó cũng thường tăng giảm liên tục. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, khi bất ngờ giảm giá 19%, tổng giá trị Bitcoin trên toàn cầu đã bốc hơi khoảng 4 tỷ USD chỉ trong 4 ngày.
Riêng ở Việt Nam, việc kiếm lời từ Bitcoin thường là mua đi bán lại trên sàn giao dịch hoặc đầu tư mua máy móc thiết bị về cày. Nhiều người bỏ tiền nhập các lô máy tính với số lượng lớn từ nước ngoài về để phục vụ cho mục đích này.
Bitcoin chưa được xem là hợp pháp nhưng cũng chưa có chế tài ngăn cấm. Ngân hàng Nhà nước mới chỉ đưa ra khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ và thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự để tránh rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.
Nguồn tổng hợp