[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Male” buttontext=”Tính năng đọc bài viết”]
Nhà thiết kế huyền thoại của Apple, Jony Ive, người đứng đằng sau thiết kế iPhone, iPod, Mac, MacBook và iPad… đã chính thức rời khỏi “Táo khuyết” hôm thứ 5 tuần trước. Mặc dù luôn được ca ngợi nhưng không phải mọi thứ Apple tung ra dưới sự lãnh đạo về thiết kế của Jony Ive đều được đánh giá cao.
Những thiết kế được cho là dở tệ dưới tay Jony Ive
Jony Ive cũng là con người nên đương nhiên trong suốt sự nghiệp của mình tại Apple ông cũng có những thiết kế bị chê dở tệ.
Dưới đây là những sản phẩm có thiết kế tệ nhất của Jony Ive, được bình chọn bởi các biên tập viên của AppleInsider, một tạp chí đã theo sát hành trình của Apple từ rất lâu, gần ngang với khoảng thời gian Jony Ive cống hiến cho “Táo khuyết”
1. Magic Mouse 2 – Malcolm Owen
Xét tổng thể, Magic Mouse 2 là một con chuột máy tính có thiết kế tốt. Kế thừa phiên bản trước, Magic Mouse 2 có hình dáng gần như tương đương nhưng trọng lượng được giảm đi và bổ sung thêm pin có thể sạc lại. Đó là những cải tiến nhằm đem lại trải nghiệm tốt hơn, hữu ích hơn cho người dùng.
Tuy nhiên, theo tôi, điểm đáng chê nhất của Magic Mouse 2 chính là việc cổng sạc được đặt ở dưới đáy thay vì ở bên sườn. Apple cố tình giấu cổng sạc để không làm hỏng vẻ đẹp tổng thể của thiết bị.
Đồng ý là việc giấu cổng sạc sẽ giúp Magic Mouse 2 bảo toàn vẻ đẹp nhưng đổi lại bạn sẽ không thể dùng chuột trong khi sạc. Dù Apple bảo rằng chỉ cần sạc chưa tới một phút là có thể sử dụng Magic Mouse 2 vài giờ nhưng thiết kế này vẫn khiến người dùng khó chịu.
Sẽ đơn giản hơn nhiều nếu Apple đặt cổng sạc ở phía trước của Magic Mouse 2. Đây là điều mà đại đa số các hãng sản xuất chuột khác đều thực hiện. Khi cần sạc, chuột không dây sẽ biến thành chuột có dây, vẫn sử dụng bình thường được và cũng không khó coi cho lắm.
2. iMac đời đầu – William Gallagher
Khá là dị thường nếu bảo một sản phẩm được yêu thích và thậm chí đã cứu Apple khỏi bị phá sản như iMac đời đầu có thiết kế xấu. Tuy nhiên, từ năm 1998 khi iMac còn mới đến nay khi nó thành đồ cổ tôi vẫn không ưa được thiết kế của nó. Nó trông cồng kềnh và xấu xí đối với tôi. Dù hiểu là do dùng công nghệ màn hình CTR nên thiết kế của iMac phải như vậy nhưng tôi vẫn không thay đổi được suy nghĩ của mình.
Và cũng chẳng có màu sắc nào của chiếc iMac này khiến tôi hài lòng.
3. Chuột “khúc côn cầu” – Mike Wuerthele
Apple đã bắt đầu phát triển các thiết bị trỏ từ rất lâu, đạt không ít thành tựu nhưng cũng không ít lần bị chê trách. “Táo khuyết” đã mở ra kỷ nguyên của con chuột máy tính với Lisa và một loạt thiết kế chuột khác, nhiều trong số chúng đột phá về công nghệ và thiết kế nhưng một số lại được coi là sai lầm.
Con chuột AppleDesign ra mắt sau chuột ADB đời đầu không tuyệt lắm, nhưng cũng không tới mức quá tệ. Tuy nhiên, kế nhiệm của nó, mẫu chuột “khúc côn cầu” được trang bị kèm với iMac thì cực kỳ khủng khiếp.
Vì nó có hình tròn nên sẽ chẳng nhận ra được đâu là phần trên nếu không nhìn vào cáp kết nối. Đương nhiên, hình tròn không phải là thiết kế tối ưu cho một con chuột, nó khiến người dùng khó chịu khi cầm nắm. Sau đó, Apple khắc phục bằng cách thêm miếng dán vào nút điều khiển để mọi người dễ nhận biết nhưng cũng chẳng giúp được gì nhiều.
Cuối cùng, nó được thay thế bằng mẫu chuột quang của Apple, tốt hơn một tí, nhưng vẫn chưa phải là tuyệt vời.
4. Smart Keyboard Folio dành cho iPad Pro 2018 – Andrew O’Hara
Tôi là một fan bự của Smart Keyboard dành cho iPad Pro đời đầu. Tôi thích gõ văn bản trên nó, thích khả năng gỡ ra dễ dàng của nó và thích sử dụng nó để đỡ iPad khi xem phim, video. Nhưng có một số ít người dùng gặp khó khăn trong việc gấp bàn phím kiêm vỏ bảo vệ này.
Với Smart Keyboard Folio thế hệ thứ 2 dành cho iPad Pro 2018, Apple đã cố gắng giải quyết vấn đề khó gập nhưng lại làm nảy sinh nhiều rắc rối khác. Phiên bản mới này bảo vệ cả mặt trước và mặt sau thay vì chỉ có mặt trước như thế hệ đầu. Điều này khiến nó dày hơn và đắt hơn đáng kể so với Smart Keyboard đời đầu cực mỏng. Khi gắn Smart Keyboard Folio, chiếc iPad Pro 2018 trông dày hơn rất nhiều so với thế hệ trước.
Ngoài ra, Smart Keyboard Folio không thể đỡ iPad Pro nếu không trải bàn phím ra. Điều này khiến nó chiếm nhiều không gian trên bàn hơn. Còn nếu gập phím về phía sau, bạn rất có thể sẽ nhấn vào phím khi cầm chiếc iPad Pro lên.
5. iPod shuffle thế hệ thứ 3 – Amber
Thực tế mà nói iPod shuffle không nằm trong tầm ngắm của tôi. Tôi không thực sự sở hữu thường xuyên một chiếc iPod hay bất kỳ sản phẩm Apple nào cho tới khi iPod nano thế hệ thứ 6 ra mắt. Tuy nhiên, tôi biết dòng iPod shuffle và gần nửa số người tôi biết sở hữu một chiếc iPod shuffle thế hệ thứ 2.
Giống như trước đây, iPod shuffle thế hệ thứ 3 có thiết kế dạng thanh bằng 2 ngón tay để bạn cắm tai nghe vào. Nó có một nút điều khiển duy nhất trên thiết bị, cho phép bạn chuyển từ chế độ nghe theo thứ tự và nghe xáo trộn ngẫu nhiên các bài hát đã lưu. Các điều khiển khác phụ thuộc vào nút trên tai nghe.
Đây là sản phẩm này thực sự khó hiểu của Apple. Về thiết kế, nó là một bước lùi lớn. iPod shuffle thế hệ 2 có thiết kế hình vuông nhỏ với vòng tròn điều khiển tiện lợi và kẹp để bạn gắn và quần áo. Nó cũng cho phép bạn thay đổi các bài hát và âm lượng mà không cần suy nghĩ nhiều.
Về chức năng, iPod shuffle thế hệ thứ 3 hoàn toàn là một sai lầm. Nếu tai nghe yêu thích của người dùng không có 3 nút điều khiển từ xa, họ sẽ không thể điều khiển được bất cứ điều gì. Mà nếu có, họ vẫn phải học một loạt kiểu nhấp không mấy trực quan qua một loạt menu vô hình.
iPod shuffle thế hệ thứ 3 rõ ràng không bán chạy như Apple mong đợi nên thế hệ thứ 4 đã được phát hành chỉ sau hơn 1 năm. Thế hệ thứ 4 quay lại kiểu thiết kế của thế hệ 2, mang những nút bấm trở lại và bổ sung thêm nhiều màu sắc hơn. Rất mau chóng iPod shuffle thế hệ thứ 4 trở thành sản phẩm ấn tượng nhất của dòng sản phẩm này.
Nguồn: Apple Insider