Dù đám tang nghệ sĩ Chí Tài chưa diễn ra, nhiều YouTuber đã đăng tải video giả livestream để thu hút người xem.
Chiều 9/12, nghệ sĩ Chí Tài qua đời tại bệnh viện sau khi lên cơn đột quỵ vào buổi sáng cùng ngày. Sau đó, ông được đưa về Trung tâm Pháp y TP.HCM để giám định. Sự ra đi của nam nghệ sĩ để lại niềm thương tiếc cho đông đảo nghệ sĩ và khán giả hâm mộ.
Lợi dụng việc này, hàng trăm YouTuber và streamer tụ tập, chen lấn để ghi lại hình ảnh nghệ sĩ tới tiễn biệt danh hài Chí Tài trước cổng trung tâm Pháp y (quận 5, TP.HCM). Cơ quan chức năng phải có mặt để điều tiết giao thông.
Bên cạnh đó, dù đám tang nghệ sĩ Chí Tài chưa diễn ra nhưng nhiều YouTuber đã đăng tải video giả livestream để thu hút người xem.
Với tiêu đề, “Trực tiếp: Toàn cảnh đám tang nghệ sĩ Chí Tài do Hoài Linh, Trường Giang lo hậu sự”, kênh YouTube “TNews****” thu hút được hơn hàng chục nghìn lượt xem sau vài giờ đăng tải.
Tuy vậy, đây chỉ là video giả livestream. Nội dung video này chủ yếu là phát lại từ những hình ảnh của danh hài Chí Tài kèm theo giọng đọc thể hiện sự tiếc thương của nhiều nghệ sĩ.
Bên dưới phần bình luận, nhiều người vẫn tin đây là đám tang của nghệ sĩ Chí Tài và gửi lời chia buồn với gia đình cũng như thể hiện sự xót thương.
Tuy nhiên, một số người dùng đã phản ánh tình trạng lừa đảo này. “Đưa tiêu đề giật tít vừa thôi, nghiệp nặng lắm. Đừng lấy chuyện buồn của người ta mà câu view kiểu này. Bây giờ mọi người bên đó đang tất bật lo hậu sự cho chú, có tâm thì đưa tin video đúng đắn vào”, tài khoản Như Huỳnh bình luận.
Kênh YouTube có tên “Độc lạ******” cũng đăng tải video với tiêu đề, “Trực tiếp: Đám tang nghệ sĩ Chí Tài”. Tuy nhiên, đoạn video được phát là một đám tang quay ở Trung Quốc. Di ảnh trên quan tài cũng là hình một người đàn ông khác chứ không phải nghệ sĩ Chí Tài.
Ngoài các video trên, hàng trăm kênh khác cũng đăng tải những nội dung như “hình ảnh cuối cùng của nghệ sĩ Chí Tài”, “Nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời ở tuổi 62, dàn sao Việt đau đớn nhận tin buồn”…
Để đánh lừa người xem, nhiều kênh còn sử dụng biểu tượng vòng tròn màu đỏ tương tự logo trực tiếp của YouTube. Số khác lại chọn cách thiết kế thumbnail (ảnh mô tả, đại diện cho video) với di ảnh và quan tài của nam danh hài.
Đây không phải lần đầu các YouTuber, Facebooker giả livestream đám tang nghệ sĩ để thu hút người xem. Cuối tháng 3, tại đám tang nghệ sĩ Mai Phương, tình trạng tương tự cũng xảy ra. Thậm chí, trước đó tại đám tang Anh Vũ, hàng trăm người dân giẫm đạp lên mộ để livestream cảnh tiễn đưa nam nghệ sĩ.
Nguồn Zing.vn