Phimmoi.net một cái tên không còn xa lạ với những tín đồ phim ảnh Việt Nam, đã chính thức bị chặn bởi các nhà mạng, người dùng không thể truy cập được với các kết nối thông thường.
Trang web phim lậu lớn nhất Việt Nam bị “sờ gáy”
Đêm 17/6, trên các diễn đàn mạng xã hội xôn xao thông tin về một trang web xem phim lậu lớn nhất Việt Nam: phimmoi.net, đã chính thức bị chặn bởi các nhà mạng, người dùng không còn có thể truy cập được với những kết nối thông thường.
Khi cố gắng truy cập vào tên miền phimmoi.net, người dùng chỉ nhận được thông báo “Trang này hiện không hoạt động”. Tuy nhiên, khi sử dụng mạng riêng ảo, người dùng vẫn vào được trang và xem phim bình thường.
Xem thêm: Fake IP trên máy tính thành công 100% không dùng phần mềm
Theo ghi nhận, đến nay hai nhà mạng là VNPT và MobiFone đã chính thức chặn trang web này. Trong khi Viettel và FPT được dự báo cũng sẽ tiến hành những hành động mạnh tay tương tự trong thời gian tới.
Những trang web này thường sử dụng server nước ngoài như Facebook, Google để lách luật, chiếu phim lên website. Điều đó đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lí trong nước trong việc loại bỏ những trang lậu này.
Đứng trước tình trạng trên, đại diện VNPT Media cho biết hiện Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.
Do đó giải pháp trước mắt, theo đơn vị này đó là các nhà mạng cần tham gia vào việc ngăn chặn việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền bất hợp pháp xuyên biên giới, bằng cách chặn các địa chỉ IP cung cấp dịch vụ từ nước ngoài.
Trước đó đầu năm nay, các nhà mạng tại Việt Nam cũng chính thức chặn quyền truy cập các trang web đen, có nội dung xấu độc, đồi truỵ.
Như vậy, với hành động mới nhất này, các doanh nghiệp cung cấp viễn thông Việt Nam đang cố gắng để tạo ra môi trường mạng trong sạch cho người dùng.
Kênh phim lậu thu tiền tỉ với phí 0 đồng
Tuy hoạt động bất hợp pháp, nhưng các trang web lậu này vẫn đang thu lợi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, dựa vào lượng người xem khổng lồ và các hợp đồng quảng cáo trực tuyến.
Quảng cáo từ những banner lớn khi người dùng duyệt web đến chèn quảng cáo trong từng bộ phim.
Đơn cử, với phimmoi.net, khi truy cập vào từng tập phim để xem, người dùng sẽ nhận đến 2 quảng cáo TVC khởi chạy trước khi bắt đầu xem phim và thậm chí thêm 1 quảng cáo TVC giữa phim.
Chính những cách luồn lách như vậy đang góp phần giúp những trang phim này thu về lợi nhuận cực khủng.
Theo bảng giá quảng cáo từ kênh phimmoi.net, một TVC chạy trước phim, có giá 18 triệu đồng/tuần, TVC chạy giữa phim có giá lên đến 16 triệu đồng.
Sau đó, các kênh phim lậu này sẽ dùng một công cụ (tool) để lấy liên kết (links) về trang phim để phát cho người xem một cách thoải mái mà chẳng mất một đồng nào cho việc mua máy chủ để lưu trữ.
Với những chiêu trò này, các kênh phim lậu đang kinh doanh 1 vốn 4 lời, bởi không chỉ thu lợi từ quảng cáo nhờ các nguồn phim vi phạm bản quyền mà còn chẳng mất nhiều tiền để lưu trữ phim.
Cơ hội cho dịch vụ truyền hình trả tiền lên ngôi?
Những năm gần đây, loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền đang nở rộ tại Việt Nam, thu hút được sự quan tâm tham gia của không ít các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền năm 2019 ước đạt 8.300 tỉ đồng, tăng 2,4% so với năm 2018 (8.100 tỉ đồng).
Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền năm 2019 ước đạt 16,5 triệu thuê bao, tăng 7,7% so với 15,3 triệu thuê bao trong năm 2018.
Tuy nhiên, những dịch vụ này lại được cung cấp chủ yếu và chiếm ưu thế bởi các ông lớn ngoại, như Netflix (năm 2016), iFlix (năm 2017), hay mới nhất là những ứng dụng đến từ Trung Quốc như WeTV (Tencent), iQiYi (Baidu)…
Trước đó, hồi tháng 11/2019, ông lớn Apple cũng đã bắt đầu cung cấp dịch vụ truyền hình Internet Apple TV+ ở hơn 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Một đại gia khác là HBO, cũng đã cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến HBO GO tại Việt Nam trên ứng dụng FPT Play vào tháng 7/2019
Ở phía ngược lại, các doanh nghiệp trong nước cũng nhanh chân nhảy vào thị trường tiềm năng này, với hàng loạt những cái tên quen thuộc như: MyTV, VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, FPT Play và K+.
Chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm tiến vào thị trường Việt Nam, hiện Netflix có khoảng 300.000 thuê bao ở Việt Nam. Trung bình Netflix thu mỗi thuê bao ít nhất 120 USD/năm, như vậy doanh thu của Netflix ở Việt Nam mỗi năm cũng lên đến 30 triệu USD.
Trong khi theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, doanh thu trung bình trên một thuê bao ở Việt Nam đang đứng mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ dưới 1 USD/thuê bao, trong khi con số trung bình tại ASEAN hiện ở 10-30 USD/thuê bao.
Từ đó, có thể thấy dư địa để phát triển trong lĩnh vực truyền hình trả tiền ở Việt Nam đang là rất lớn. Và rõ ràng, khi dẹp được sự cạnh tranh không công bằng đến từ các trang web phim lậu, các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền sẽ có nhiều đất diễn hơn để phát triển.