An ninh mạng quốc gia là điều cần thiết để bảo mật thông tin. Thế nhưng điều này lại là bước trở ngại ảnh hưởng tới nguy cơ Facebook đóng cửa tại Việt Nam?
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới ra văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, nội dung văn bản nói rằng một số quy định trong Dự thảo Luật an ninh mạng chưa phù hợp về tính thống nhất với cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Quy định:
- Khoản 4, Điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam có quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.
Liệu không có Google, Facebook tại Việt Nam?
Như quy định này, thì tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Nếu quy định trong Dự thảo này được thông qua và trong trường hợp các doanh nghiệp lớn như Google, Facebook không tuân thủ, nhiều người cho rằng sẽ rất thiệt thòi, ảnh hưởng đến bảo mật thông tin cho sự phát triển Internet tại Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Thanh Phi, chuyên gia marketing, cho rằng: “Nếu Việt Nam áp dụng luật này sẽ trở thành một rào cản, khiến người Việt không thể tiếp cận được những tiến bộ về mặt công nghệ truyền thông của thế giới”.
Theo ông Phi, các quốc gia phát triển không quan tâm đến việc dữ liệu được đặt ở đâu bởi đây là kỷ nguyên của “đám mây” (Cloud), họ chỉ quan tâm dữ liệu sẽ được sử dụng như thế nào.
Trong khi đó, bà Bùi Việt Hiền Nhi, Phó ban truyền thông FPT Telecom, cho rằng việc yêu cầu xây dựng chi nhánh đại diện là điều hợp lý bởi điều này sẽ hỗ trợ tốt hơn trong việc kiểm soát và hạn chế tối đa những rủi ro về gian lận thương mại, an toàn thông tin.
Một doanh nghiệp dù hoạt động trên bất kỳ quốc gia nào, nhưng “khai thác” nguồn lợi tại Việt Nam thì bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải tuân thủ theo những quy định của nước sở tại.
“Tuy nhiên, việc đưa máy chủ về Việt Nam là điều không hề đơn giản và chắc chắn ít nhận được sự đồng tình của các công ty nước ngoài. Nhận thấy rằng việc thắt chặt kiểm soát là điều cần thiết, nhưng cần cân nhắc tới đặc thù hoạt động của từng ngành hàng khác nhau để xây dựng những quy định phù hợp” – bà Nhi nhận định.
Cũng theo chiều hướng này, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng những dịch vụ như Google, Facebook hiện có lượng người dùng Việt Nam rất lớn.
Do đó, nếu các công ty này không được hoạt động tại Việt Nam thì với nhu cầu rất lớn của người dùng trong nước, họ vẫn sẽ tìm cách sử dụng dịch vụ của Facebook, Google.
“Tôi cho rằng chúng ta không nên dùng biện pháp hành chính để quản lý các dịch vụ xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài, mà nên dùng biện pháp kỹ thuật nào đó để quản lý họ sẽ có tác động hiệu quả hơn”, luật sư Đức nói.
Việc bảo mật an toàn an ninh mạng quốc gia là điều kiên quyết
Thực tế hiện nay, rất nhiều người dùng Internet tại Việt Nam đều sử dụng ít nhất một dịch vụ do Google cung cấp hay của Facebook. Chính vì vậy việc Facebook đóng cửa tại Việt Nam là 1 sự thiệt thòi vô cùng lớn chính vì hơn chục triệu người dùng đang sử dụng các ứng dụng của Facebook. YouTube của Google còn phổ biến hơn nhiều kênh truyền hình tại Việt Nam…
Tuy nhiên, kèm theo đó là những phát sinh tiêu cực ngày càng lớn như: tin giả, lừa đảo, xúc phạm lãnh đạo, chống phá Nhà nước, tuyên truyền văn hóa tiêu cực… gây khó khăn rất lớn cho cơ quan quản lý cũng như ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của đất nước.
Đó là chưa kể lĩnh vực an ninh mạng ngày càng đóng vai trò sống còn đối với đất nước trong cuộc cách mạng số 4.0.
Theo ông Nguyễn Hồng Văn, Phó viện trưởng Viện An toàn thông tin, quy định này là cần thiết nếu xét từ góc độ an ninh mạng quốc gia.
Ông Văn cho rằng hiện nay dịch vụ từ Facebook hay Google đã trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân tại Việt Nam.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu thông tin cá nhân, vị trí, thói quen của người dân Việt Nam bị thu thập phục vụ mục đích của kẻ xấu thông qua các dịch vụ nêu trên, trong khi chúng ta chẳng hay biết và cũng không quản lý được gì? Giả sử chẳng may có một cuộc chiến tranh mạng tấn công Việt Nam từ những sơ hở nêu trên, hậu quả là khôn lường vì chúng ta không nắm được tình hình. Do vậy, theo tôi, quy định này là cần thiết để cơ quan quản lý kiểm soát các dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam. Nó là nền tảng để Nhà nước có thể tiến hành các bước tiếp theo trong việc đảm bảo an ninh mạng quốc gia”, ông Văn nhận định.
Theo các bạn liệu việc Facebook đóng cửa tại Việt Nam có trở thành sự thật?
Nguồn Tuổi Trẻ