[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Male” buttontext=”Tính năng đọc bài viết”]
Facebook Dating, tính năng thú vị mới được cập nhật cho người dùng Facebook. Có phần tương đối giống Tinder. Nhưng trước khi dùng Facebook Dating hãy chắc chắn thuộc lòng những điều dưới đây để thu phục vài bạn crush.
Facebook Dating đã “về làng” được 1 tuần, thậm chí mới đây đã nhanh chóng cập nhật đầy đủ tính năng Secret Crush mới nhất, được rất nhiều người mong chờ. Đây được xem như một đòn đánh chí mạng vào Tinder – ứng dụng hẹn hò từng được coi là số 2 thì không ai là số 1 – vì Facebook đã có sẵn một nền tảng người dùng khổng lồ từ trước, rất tiện để phát triển thêm mạng lưới hẹn hò kết nối lẫn nhau.
Tuy nhiên, chính vì Facebook Dating có một xuất phát điểm muộn hơn, vì thế các bộ não cực to ở trụ sở anh Mark có lẽ cũng đã tìm ra những cách khác nhau để khiến nó trở nên độc đáo và ấn tượng. Sau đây là 3 đặc trưng khác biệt mà Facebook Dating sở hữu độc tôn so với đối thủ Tinder trước kia.
1. Cách thức và thao tác chọn bạn hẹn hò
– Tinder: Quẹt trái quẹt phải đã trở thành huyền thoại.
– Facebook Dating: Thay vì thao tác quẹt như Tinder, Facebook thay bằng các nút chọn bằng cách chạm vào như thường. Theo nhiều người đánh giá, cách thức này sẽ giúp người dùng ít bị lỡ tay nhầm nhọt như khi quẹt ngón tay, nhất là khi màn hình cảm ứng quá nhạy hoặc chỉ đơn giản là không cố ý.
Hơn nữa, việc bắt buộc phải “chạm” thay cho “quẹt” cũng khiến động tác trở nên có phần dứt khoát, ít nhiều khiến người dùng phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định bỏ qua lựa chọn hẹn hò này hay không.
Tinder có thể “quẹt” (swipe) nhưng Facebook Dating thì khác.
2. Secret Crush
– Tinder: Không có tính năng phụ hay crush gì cả, chỉ quẹt và quẹt.
– Facebook Dating: Bản thân Secret Crush đã là một tính năng độc lập nổi lên như cồn, đánh bại hình ảnh truyền thống “match” nhau của Tinder. Với cách chọn tối đa 9 người trong friendlist của mình làm crush, chắc chắn những mối liên kết từ tính năng này sẽ dễ chớm nở hơn do đã là bạn sẵn của nhau.
3. Xem được ai đã “chấm” mình
– Tinder: 2 người bắt buộc phải “match” từ cả 2 phía mới có thể biết về nhau được.
– Facebook Dating: Ngay tại giao diện chính, một tab “Interested” đã được cung cấp sẵn, trong đó chứa danh sách những người đã chọn mình trong danh sách gợi ý hẹn hò của họ. Như vậy, rõ ràng Facebook đã tạo nhiều điều kiện dễ dàng hơn cho các cặp đôi, có thể vào ngay danh sách đó để “chấm” xem ai hợp là đủ, không cần đi chọn loạn xạ để mong chờ được phản hồi lại.
4. Câu hỏi, hội nhóm, event
– Tinder: Chỉ cho biết thông tin cơ bản và vài ảnh cá nhân người dùng.
– Facebook Dating: Bên cạnh những thông tin cơ bản, Facebook còn mở rộng thêm phần câu hỏi có sẵn (người dùng sẽ trả lời để người khác xem và biết thêm vài sở thích, sở trường…) và các gợi ý liên quan đến Group, Event mình từng tham gia (tự động chọn bạn hẹn hò có liên quan tới các Group, Event đó).
5. Nhắn tin tự do cho nhau
– Tinder: Nếu muốn tiếp cận qua đường tin nhắn, 2 người vẫn bắt buộc phải “match” nhau.
– Facebook Dating: Mọi người có thể tự do nhắn tin cho nhau kể cả khi còn đang tìm hiểu trang cá nhân hẹn hò, chưa biết đã chọn nhau hay chưa. Chỉ có điều, Facebook Dating sẽ yêu cầu nhắn tin dựa trên một hình ảnh, hoặc câu hỏi/đáp có sẵn của người kia để làm chủ đề mở đầu cuộc hội thoại. Dù sao thì cũng có thể coi đó chỉ là mặt hình thức, nên chốt lại vẫn là việc có thể nhắn tin thoải mái mà không cần tới các bước khó khăn nào khác.
Trong trường hợp đã “match” nhau qua Secret Crush hoặc các gợi ý hẹn hò đường đường chính chính, tất nhiên Facebook sẽ thông báo cho cả 2 người biết và tự động mở ra một giao diện nhắn tin luôn. Dù vậy, một chú ý nhỏ dành cho mọi người: Tin nhắn Dating độc lập hoàn toàn so với Messenger, và chỉ có thể gửi các chữ, ký tự và emoji, còn ảnh và video thì bị chặn tuyệt đối.
6. Chụp ảnh màn hình (cho Android)
– Tinder: Chụp ảnh và quay video màn hình thoải mái.
– Facebook Dating (cho Android): Nếu cố tình chụp ảnh hoặc quay màn hình, ứng dụng sẽ hiện thông báo ngay lập tức để chặn hành động đó, kể cả đối với các ứng dụng hỗ trợ bên ngoài. Đây là cơ chế bảo mật FLAG_SECURE trên Android, cũng đang được dùng bởi khá nhiều ứng dụng bảo mật cho ngân hàng, hay dữ liệu phim ảnh trên Netflix.
Nguồn: Genk